Sự sáng tạo, nhiệt tình của các Tổ Công nghệ số cộng động (CNSCĐ) sẽ giúp người dân hiểu và tin chuyển đổi số mang lại nhiều giá trị to lớn cho bản thân họ trong cuộc sống

Cập nhật lúc: 15:52 01/08/2023

Lấy người dân làm trung tâm của chuyển đổi số và Tổ CNSCĐ làm cầu nối đắc lực là một trong những trọng tâm để Đà Nẵng thực hiện tốt chuyển đổi số

Từ tháng 4/2022 Sở TT&TT đã phối hợp với Sở Nội vụ, Thành Đoàn Đà Nẵng và UBND quận huyện tham mưu UBND thành phố triển khai thành lập gần 2.500 Tổ CNSCĐ với khoảng 15.000 thành viên tham gia. Sau thời gian triển khai mô hình Tổ CNSCĐ, đến nay, 100% phường, xã toàn thành phố đã thành lập Tổ CNSCĐ đến tận cơ sở. Bước đầu, việc xây dựng các Tổ CNSCĐ đã mang lại kết quả tích cực, góp phần vào công tác CĐS trên địa bàn thành phố.

 

 

 

Với số lượng thành viên tham gia tương đối lớn, để triển khai, hướng dẫn thành lập Tổ CNSCĐ, thành phố Đà Nẵng đã có một số cách làm mới trong triển khai Tổ CNSCĐ. Trong đó chiến lược đẩy mạnh các hoạt động CĐS lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện là yếu tố quan trọng để thành phố Đà Nẵng triển khai thành công Tổ CNSCĐ.

Nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho người dân về CĐS từ những bước đầu tiên, thành phố Đà Nẵng triển khai tổ chức biên tập, đăng tải các tài liệu, infographic, audio, video,…về CĐS dành cho Tổ CNSCĐ trên nhiều kênh thông tin khác nhau. Điển hình trên Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng, hoạt động đồng hành CĐS cùng người dân được thể hiện qua hình thức video với tên gọi “Chuyển đổi số cùng bạn”. Hiện nay, chương trình đã có các số được phát sóng với những chủ đề mũi nhọn trong CĐS ở cả ba lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Chương trình "Chuyển đổi số cùng bạn" - số tháng 4-2023: "Chợ không dùng tiền mặt" do Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng thực hiện.

Các bài viết mang tính cung cấp thông tin, cập nhật số liệu được thể hiện dưới đa dạng hình thức và được đăng tải trên các kênh như Cổng CĐS của thành phố Đà Nẵng, trang web và kênh Zalo OA các quận, huyện, phường, xã,... Chuyển đổi hình thức truyền tải thông tin dù là một việc nhỏ nhưng là phương pháp để thành phố Đà Nẵng tối ưu việc tiếp cận công nghệ số đến với mọi đối tượng trong cộng đồng.

Với sức trẻ, sự năng động, nhạy bén với khoa học - công nghệ, Đoàn viên thanh niên được coi là lực lượng nòng cốt trong công cuộc hỗ trợ CĐS, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tại thành phố Đà nẵng, Tổ CNSCĐ 11 (phường An Khê, quận Thanh Khê) thường xuyên tổ chức các buổi hướng dẫn, hỗ trợ người dân. Đến nay, hơn 60% người dân trong tổ đã đăng ký tài khoản công dân điện tử và giao dịch trực tuyến thông qua điện thoại thông minh.

Ảnh: Đội hỗ trợ CĐS tại khu dân cư do Đoàn phường An Khê (quận Thanh Khê) chủ công triển khai hỗ trợ tại khu dân cư. (Nguồn: Báo điện tử Đà Nẵng Online)

 

Để công tác CĐS đạt hiệu quả, Sở TT&TT thành phố Đà Nẵng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ CĐS cho 7/7 quận, huyện và 56/56 phường xã; tập huấn, nâng cao kiến thức về CĐS cho hơn 14.000 cán bộ, công chức, viên chức, Đoàn viên thanh niên và các thành viên Tổ CNSCĐ. Các doanh nghiệp lớn như: Viettel, MobiFone, VNPT, Momo, Bưu điện, Cốc cốc, MB Bank, SHB Bank… được mời gọi tích cực cộng tác với Sở TT&TT để hỗ trợ Tổ CNSCĐ.

Mới đây, vào sáng 03/6/2023, UBND phường Hải Châu II tổ chức Lễ ký kết chương trình phối hợp thực hiện CĐS giữa UBND phường và chi nhánh Viettel tại Đà Nẵng, nhân rộng “Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt”, tạo tài khoản công dân số, cài đặt định danh mức 2 VneID trên địa bàn phường. Đặc biệt trong năm 2022, với sự hỗ trợ của đơn vị đồng hành Viettel, phường đã triển khai 100% mã code VietQr (điểm chấp nhận thanh toán), Viettel Money (ViettelPay) cho các tiểu thương chợ Cồn, các hộ kinh doanh trên tuyến phố Hùng Vương...

 

Mô hình tuyến phố, Chợ không dùng tiền mặt; Mô hình “Điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến và CĐS”; Mô hình Trang thông tin Chính quyền điện tử phường/xã trên OA Zalo...; Tổ chức Hội thi tuyên truyền về CĐS “Rung chuông vàng”, “Hội thi CĐS” là các hoạt động toàn diện, đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông CĐS đến người dân của thành phố Đà Nẵng.

 

 

 

Đầu tháng 5/2023, Ban quản lý chợ, Chi hội phụ nữ chợ Tân An (phường An Khê, quận Thanh Khê), tổ thanh niên xung kích phường và các cán bộ ngân hàng MB đã đi đến từng quầy hàng phổ biến, tuyên truyền đến tiểu thương, người dân những lợi ích khi tham gia đăng ký và sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Theo ông Lê Văn Lý, Trưởng ban quản lý chợ Tân An, đến nay có 80/120 hộ tiểu thương tại chợ đã đăng ký sử dụng hình thức thanh toán này thông qua chuyển khoản hoặc quét mã QR code.

Ảnh: Khách hàng thanh toán tiền bằng cách quét mã QR-Code khi mua hàng tại chợ Cồn. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Thành phố 
Đà Nẵng)

 

Một ví dụ điển hình khác tại phường Tân Chính, Hội thi “Tìm hiểu CĐS và mô hình chính quyền đô thị thân thiện với nhân dân” được tổ chức bằng hình thức thi Rung chuông vàng với hơn 80 cá nhân tích cực tham gia. Hội thi đã giới thiệu rất cụ thể, chi tiết về mô hình với các văn bản, tiêu chí để xây dựng thực hiện Chính quyền đô thị, tạo thu hút sự tham gia của toàn dân để thành công trong công tác CĐS, lấy nhân dân là trọng tâm để phát triển. Qua hội thi đã tổng hợp được nhiều cá nhân sẽ là tuyên truyền viên cơ sở, tuyên truyền miệng đến tận người dân, tạo điều kiện để nhân dân nắm được quyền và nghĩa vụ của mình, thực hiện quyền làm chủ, tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền.

 

 

 

Theo Sở TT& TT thành phố Đà Nẵng, một trong những đột phá trong việc CĐS trong năm qua là thành phố này chính thức đưa vào sử dụng nền tảng công dân số tại địa chỉ https://congdanso.danang.gov.vn hoặc https://myportal.danang.gov.vn và app DaNang Smart City. Mỗi công dân có một QR code đại diện cho hồ sơ công dân số để sử dụng trong các giao dịch hằng ngày.

 

Ảnh: Người dân Đà Nẵng được hỗ trợ đăng ký làm dịch vụ công qua mạng. (Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Online)

 

 

 

Từ thực tiễn triển khai hoạt động Tổ CNSCĐ của thành phố Đà Nẵng, ta thấy được công tác chỉ đạo, điều hành kịp thời của chính quyền các cấp để định hướng hoạt động của Tổ CNSCĐ đóng vai trò quan trọng. Đặc biệt, trên cơ sở phát huy năng lực nguồn nhân lực Tổ CNSCĐ để thúc đẩy triển khai hoạt động CĐS trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo môi trường ứng dụng công nghệ số trực tuyến và trực tiếp hiệu quả cho nhân dân, thành phố Đà Nẵng đã thể hiện sự tối ưu trong công tác tuyên truyền cũng như thực hành để người dân nhìn thấy giá trị thực tiễn của CĐS trong cuộc sống của họ. Như vậy, CĐS muốn thành công cần sự đồng lòng nhất quán từ trên xuống dưới, từ các ban ngành đến cá nhân để thực hiện CĐS mang lại lợi ích cho cộng đồng./.

Theo https://dx.gov.vn/