Đắk Lắk thúc đẩy phổ cập chữ ký số cho người dân
Cập nhật lúc: 16:52 19/12/2023
Đắk Lắk là địa phương thứ 17 triển khai chương trình thúc đẩy phổ cập chữ ký số cá nhân cho người dân. Với sự cam kết của các nhà cung cấp chứng thực số công cộng, người dân sẽ được cấp chứng thư số với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ, như miễn phí trong vòng 1 năm bao gồm phí khởi tạo chứng thư số và ký số dịch vụ công trực tuyến. Giai đoạn 2025-2030, tỉnh hướng đến mục tiêu 50% công dân trưởng thành có chữ ký số, phát triển mỗi người dân thành một công dân số.
Cấp chữ ký số miễn phí cho người dân
Theo đánh giá của Sở TT&TT, chữ ký số đang được triển khai rộng rãi nhưng vẫn tập trung chủ yếu ở các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp. Tỷ lệ người dân có chứng thư số cá nhân, sử dụng chữ ký số trong cả nước nói chung và Đắk Lắk nói riêng vẫn còn rất khiêm tốn, dẫn đến các giao dịch liên quan đến cá nhân còn thực hiện theo phương thức truyền thống trên giấy, gây lãng phí, không đảm bảo tính xác thực.
Ngày 26/10 vừa qua, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia và Vụ Pháp chế - Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ phối hợp triển khai thúc đẩy phổ cập chữ ký số trên địa bàn tỉnh, đồng thời tuyên truyền về chữ ký số, hợp đồng điện tử, an toàn thông tin và các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan. Đây là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công, thủ tục hành chính… được nhanh hơn, thuận tiện hơn, đồng thời đảm bảo tính pháp lý trong giao dịch, từ đó sớm hoàn thiện các điều kiện hình thành công dân số trên địa bàn tỉnh.
Vừa thực hiện đăng ký khởi tạo chữ ký số cá nhân sau 3 tháng, chị Nguyễn Thanh Nga (thành phố Buôn Ma Thuột) - chủ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chia sẻ: Thay vì phải in ra giấy và ký tay các hợp đồng, thủ tục hành chính rồi gửi cho đối tác, đi nộp cho cơ quan chức năng, lưu trữ thêm một bản…giờ đây, mình có thể ngồi nhà làm nhanh gọn qua mạng.
“Qua tìm hiểu, những người dùng đã đăng ký sử dụng dịch vụ chữ ký số đều thấy rõ sự vượt trội cả về thời gian lẫn tiện lợi so với cách ký tay truyền thống”, chị Nga nói.
Theo ông Trương Hoài Anh, Giám đốc Sở TT&TT Đắk Lắk, ứng dụng chữ ký số trong quá trình chuyển đổi số là hết sức quan trọng. Do đó, Đắk Lắk sẽ tăng cường đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số, đặc biệt là công tác số hóa, để hình thành kho dữ liệu dùng chung của tỉnh nhằm phục vụ công tác tác nghiệp, chỉ đạo điều hành của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Sở Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị các doanh nghiệp đảm bảo triển khai cung cấp chữ ký số miễn phí cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến theo đúng cam kết với Sở. Bố trí nhân lực tại Bộ phận một cửa thuộc Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn cung cấp chữ ký số miễn phí và hướng dẫn sử dụng chữ ký số cho người dân từ ngày 26/10/2023.
Hiện nay, Đắk Lắk đã triển khai giải pháp tích hợp chữ ký số từ xa trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Mục tiêu tỉnh Đắk Lắk hướng tới là nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc quản lý và sử dụng chứng thư số đã được cấp cho các tổ chức và cá nhân trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Phấn đấu 50% người trưởng thành có chữ ký số
Là đơn vị đồng hành với tỉnh trong triển khai chữ ký số, ông Nguyễn Văn Thản- Phó Giám đốc VNPT Đắk Lắk cho biết: Chữ ký số công cụ thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số. Trong đó, chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số được xác định là thành tố nền tảng pháp lý quan trọng đảm bảo an toàn, xác thực, toàn vẹn cho các giao dịch điện tử của tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong môi trường số. Thúc đẩy phát triển chữ ký số là góp phần hiện thực hóa các mục tiêu Quốc gia về chuyển đổi số. Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh chữ ký số được sử dụng một số lĩnh vực như kho bạc, thuế, ngân hàng, bảo hiểm xã hội.
Để thúc đẩy người dùng, từ tháng 12/2022, VNPT đã đề xuất một số chính sách để triển khai chữ ký số cá nhân cho một số cá nhân. Từ 04/2023, VNPT đề xuất triển khai chương trình ưu đãi 1 năm miễn phí chữ ký số cho toàn bộ cán bộ, người dân để tham gia ký số dịch vụ công. Tháng 10/2023 VNPT đề xuất triển khai miễn phí cài đặt chữ ký số cá nhân để ký trên Dịch vụ hành chính công đến các Hội/Tổ chức. Từ Tháng 11/2023 VNPT sẽ bố trí các nguồn lực để cùng đồng hành với các cấp, các ngành để triển khai thành công các chương trình, mục tiêu về số người trưởng thành có chữ ký số điện tử.
VNPT Đắk Lắk cam kết cùng với Sở TT&TT triển khai từ 26/10/2023 đến 26/10/2024 Miễn phí sử dụng chữ ký số cá nhân theo hình thức ký số từ xa trên thiết bị di động (VNPT SmartCA) có thời hạn 12 tháng cho toàn bộ người dân tỉnh Đắk Lắk khi sử dụng và giao dịch ký số thủ tục hành chính trên các Cổng dịch vụ Công; Miễn phí 3 tháng sử dụng với 50 hợp đồng và 500Mb dung lượng lưu trữ cho khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ chứng thực Hợp đồng điện tử VNPT eContract. Tặng gói 300 hóa đơn cho Khách hàng doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể lần đầu tham gia đăng ký sử dụng dịch vụ Hóa đơn điện tử (VNPT - Invoice) trước ngày 31/12/2023 -ông Nguyễn Văn Thản nhấn mạnh.
Bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) – Bộ TT&TT khẳng định: Việc triển khai áp dụng chữ ký số rộng rãi sẽ gia tăng sự tin tưởng của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khi thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các dịch vụ công do Chính phủ cung cấp tới người dân, doanh nghiệp.
“Đặc biệt, Luật Giao dịch điện tử 2023 mới đây có nhiều quy định quan trọng về chữ ký số, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng chữ ký số vào mọi hoạt động của người dân trên môi trường mạng. Chữ ký số được xem là một trong những tài sản số quan trọng nhất, một mắt xích không thể thiếu trong thời đại chuyển đổi số”, bà Tô Thị Thu Hương thông tin.
Theo ông Trương Hoài Anh – Giám đốc Sở TT&TT, quá trình triển khai chữ ký số các đơn vị đã nhận diện một số khó khăn như: Đối với người dân hiện nay mới có thể ký các thủ tục trên dịch vụ công hoặc ký hợp đồng dịch vụ viễn thông, người dân chưa nắm được các loại thủ tục, giấy tờ nào có thể ứng dụng chữ ký số, thói quen thực hiện thủ tục trực tiếp còn cao.
Giai đoạn 2025-2030, các nhà cung cấp chứng thực số công cộng đã chủ động bố trí nhân lực, sẵn sàng các nguồn lực để đồng hành cùng với chính quyền các cấp trong triển khai tuyên truyền sử dụng chữ ký số, hướng đến thực hiện thành công mục tiêu 50% người trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký số điện tử; tiếp tục tuyên truyền các lực lượng trẻ sử dụng, tổ chức chính trị/xã hội tích cực quan tâm trong công tác triển khai ứng dụng chữ ký số.
Vừa qua, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó hướng đến phát triển mỗi người dân thành một công dân số; mỗi doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh thành một doanh nghiệp số. Do đó, thúc đẩy phổ cập chữ ký số cho người dân là nhiệm vụ ưu tiên cần thiết nhất để triển khai hiệu quả kế hoạch này- ông Trương Hoài Anh nhấn mạnh.
Các tin khác
- Báo cáo sơ kết 02 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 02/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về "Chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030"
- Đắk Lắk đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hệ thống du lịch thông minh
- Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam tập huấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp nữ Đắk Lắk
- Tìm giải pháp chuyển đổi mô hình, công nghệ cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đắk Lắk
- Đắk Lắk ký kết hợp tác phổ cập chữ ký số đến mọi người dân, doanh nghiệp.