Dấu ấn tích cực từ chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk
Cập nhật lúc: 14:05 28/12/2022
Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều quyết sách phục vụ cho chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột “Chính quyền số- kinh tế số-xã hội số”. Từ đây đã truyền đi thông điệp cam kết mạnh mẽ của tỉnh trong chiến lược “tăng tốc” chuyển đổi số toàn diện, đáp ứng nhu cầu của “công dân số” trong thời gian đến.
Chính quyền tiên phong bắt nhịp
Trên cơ sở các chủ trương của Trung ương, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 02/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Bí thư Nguyễn Đình Trung tham quan văn phòng làm việc của MISA tại Buôn Ma Thuột
Trong năm qua, tỉnh Đắk Lắk là tỉnh đầu tiên trong cả nước đánh giá Chỉ số chuyển đổi số của các cơ quan, nhà nước thuộc tỉnh (Quyết định 2425/QĐ-UBND ngày 01/9/2021 về Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk). Sở Thông tin và Truyền thông triển khai khảo sát, thu thập, kiểm tra số liệu báo cáo để phục vụ đánh giá Chỉ số chuyển đổi số qua hình thức trực tuyến tại địa chỉ: https://dti.daklak.gov.vn.
Kết quả Chỉ số chuyển đổi số cấp sở có điểm trung bình là 114,98 điểm; cấp huyện có điểm trung bình là 146,34 điểm. Bộ chỉ số tạo điều kiện để các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chỉ số, các tiêu chí thành phần về chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị; xây dựng các chương trình, kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả chuyển đổi số phù hợp với yêu cầu chung của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung cùng đoàn công tác thăm và tìm hiểu hoạt động của Dak Lak IOC
Ông Trần Xuân Tiệp – Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông cho hay: Để cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả, đầy đủ, thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết 37/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Đề án “Xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 02/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, xác định cụ thể nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trên địa bàn toàn tỉnh.
VNPT Đắk Lắk và UBND huyện Krông Năng ký kết chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025
Cụ thể, Kế hoạch đưa ra chỉ tiêu cụ thể cho giai đọan 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên 04 nội dung cơ bản là: Phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động các cơ quan nhà nước; Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số; Phát triển đô thị thông minh. Tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025 chỉ số chuyển đổi số của tỉnh sẽ trong nhóm 20/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ông Trương Hoài Anh – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, với sự quyết tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, đến nay về cơ bản tỉnh Đắk Lắk đã chuẩn bị đầy đủ về cơ chế chính sách, nguồn lực để phục vụ công tác chuyển đổi số trong thời gian tới. Hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản đã được các cơ quan, đơn vị chú trọng đầu tư để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Các hệ thống nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chùng, nền tảng đô thị thông minh, nền tảng thanh toán trực tuyến… bước đầu dần được hoàn thiện sẵn sàng cho công cuộc chuyển đổi số trong thời gian tới.
Hiện nay 100% cơ quan cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã đã có hệ thống mạng nội bộ có kết nối Internet băng thông rộng. Có 218 các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã có kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng.
Các hệ thống nền tảng về nền tảng đô thị thông minh, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai các dịch vụ bao gồm: Dịch vụ giám sát Hệ thống dịch vụ công trực tuyến; Dịch vụ Giám sát, điều hành Kinh tế - Xã hội; Dịch vụ Phản ánh hiện trường; Dịch vụ Giám sát camera an ninh trật tự và điều hành giao thông; Dịch vụ giám sát an toàn an ninh thông tin (SOC).
Tỉnh Đắk Lắk có 1.058 thủ tục hành chính được cập nhật vào cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, trong đó có 553 dịch vụ công cung cấp trực tuyến. Phân quyền cho hơn 946 tài khoản của cán bộ, công chức thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Đề xuất các bài toán lớn cho cả giai đoạn
Để thực hiện kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Lắk dự kiến bố trí khoảng 330 tỷ từ nguồn vốn xây dựng cơ bản, đồng thời mỗi năm bố trí khoảng 20 tỷ từ nguồn kinh phí sự nghiệp để triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số. Bên cạnh việc xây dựng chính sách và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, tỉnh Đắk Lắk còn đặt ra hai nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện, đó là: đào tạo phát triển nhân lực số; thúc đẩy ứng dụng số đối với hoạt động kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp và đẩy mạnh ứng dụng số trong xã hội, cộng đồng dân cư.
Trong đó, chính quyền số tập trung vào cung cấp dịch vụ công số; Kinh tế số tập trung vào nông nghiệp số, năng lượng, Logistics và môi trường; xã hội tập trung vào giáo dục, chăm sóc sức khỏe và phát triển cộng đồng số.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk vừa qua, Sở TT&TT cho biết, trong năm 2022 ngành đang tham mưu đề xuất các bài toán lớn cần giải quyết để thực hiện chuyển đổi số ưu tiên hình thành nên một hệ sinh thái Chính quyền số mở trên địa bản tỉnh Đắk Lắk.
Người dân giải quyết TTHC tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh
Trong đó, tỉnh ưu tiên kết hợp với doanh nghiệp viễn thông nhằm triển khai giải pháp nền tảng tích hợp, chia sẻ dùng chung LGSP thông minh đảm bảo kết nối với các ứng dụng với nhau một cách dễ dàng hình thành nên một hệ sinh thái Chính quyền số mở.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã xây dựng phương án chi tiết, kiến nghị Bộ TT&TT hỗ trợ trong xây dựng giải pháp chuyển đổi số một số nội dung trọng tâm gồm: lĩnh vực nông nghiệp; giáo dục; y tế; Du lịch, kinh tế số; quản lý dữ liệu; truyền thanh thông minh; hệ thống thông tin nguồn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh, năm 2022 Đắk Lắk ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các chương trình, kế hoạch của tỉnh về chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; tạo điều kiện, nền tảng tăng tốc chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk trong giai đoạn mới.
Chuyển đổi số giúp tỉnh Đắk Lắk kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả (Trong ảnh : Người dân Khai báo y tế Xã Ea Trang- huyện M’Drắk)
UBND tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo, điều hành việc triển khai Chuyển đổi số theo Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 02/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Tổ chức triển khai phổ biến, tuyên truyền về kết quả chỉ số chuyển đổi số năm 2020 trong phạm vi đơn vị mình để nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc phát triển và ứng dụng CNTT và xác định Chỉ số chuyển đổi số.
Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại tỉnh Đắk Lắk; nâng cao hiệu quả hiệu lực hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho hay.
Giai đoạn 2022-2025, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu kinh tế số chiếm 12% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 7%; năng suất lao động hàng năm tăng bình quân 6.5%. Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang, 4G phủ trên 70% hộ gia đình, 100% xã; bước đầu phát triển triển khai dịch vụ mạng di động 5G trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột;Duy trì, triển khai có hiệu quả các dịch vụ đô thị thông minh tại thành phố Buôn Ma Thuột… Đến năm 2025, chỉ số chuyển đổi số của tỉnh trong nhóm 20/63 tỉnh, thành phố; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình, 100% xã; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử là trên 50%; Đắk Lắk thuộc nhóm các tỉnh được xếp loại A về an toàn, an ninh mạng theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông. |
Các tin khác
- Đắk Lắk phấn đầu năm 2023 kinh tế số chiếm 12% GRDP
- Đoàn khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh tổ chức ra quân Tổ công nghệ số cộng đồng
- Chuyển đổi số trong doanh nghiệp Đắk Lắk: Tín hiệu lạc quan
- Tập huấn kiến thức thương mại điện tử và chuyển đổi số trong kinh doanh
- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đối thoại với doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính