Trung tâm IOC : “Bộ não số” cho đô thị thông minh

Cập nhật lúc: 16:48 10/11/2022

Sau thời gian chạy thử nghiệm, đến nay Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh Đắk Lắk chính thức đưa vào hoạt động thí điểm 5 dịch vụ đô thị thông minh gồm: Phản ánh hiện trường, Giám sát hệ thống dịch vụ công trực tuyến, Giám sát camera an ninh và điều hành giao thông, Giám sát, điều hành các chỉ tiêu Kinh tế và Xã hội, Giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) nhằm tạo kênh tương tác linh hoạt từ chính quyền địa phương đến nhân dân sinh sống trên địa bàn.

Dự kiến đến cuối năm 2021, các dịch vụ này sẽ chính thức ra mắt góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của cả hệ thống chính trị, thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng thành phố Buôn Ma thuột trở thành đô thị thông minh.

Cổng thông tin điện tử tỉnh đã có cuộc phỏng vấn ông Phan Xuân Thủy – Giám đốc Trung tâm IOC tỉnh Đắk Lắk về kế hoạch vận hành thí điểm các dịch vụ tại đây.

BTV: Thưa ông, triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh, kể từ tháng 8/2021, Trung tâm IOC sẽ đi vào vận hành thí điểm 5 dịch vụ nền tảng của đô thị thông minh, xin ông đánh giá quá trình xây dựng, mức độ sẵn sàng của các dịch vụ hiện có?

Trung tâm điều hành đô thị thông minh IOC tỉnh Đắk Lắk được UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập trên cơ sở của Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông thuộc Sở TT&TT.

 Cuối năm 2020, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk (IOC) được thành lập và đi vào hoạt động. Các đơn vị liên quan đã chạy thử nghiệm giám sát hầu hết các dịch vụ đô thị thông minh, gồm: dịch vụ giám sát (DVGS) Dịch vụ hành chính công (iGate), DVGS thông tin trên môi trường mạng; dịch vụ phản ánh hiện trường; DVGS hệ thống quản lý văn bản và điều hành; dịch vụ giám sát an ninh an toàn; DVGS điều hành kinh tế - xã hội; DVGS Giáo dục thông minh; DVGS Y tế thông minh; DVGS Du lịch thông minh; DVGS an toàn thông tin mạng (SOC).

Ông Phan Xuân Thủy – Giám đốc Trung tâm điều hành đô thị thông minh IOC thông tin về quá trình xây dựng vận hành

Các dịch vụ đô thị thông minh trên đã được các doanh nghiệp triển khai cài đặt trên hệ thống Cloud của các doanh nghiệp và tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh sẵn sàng cho việc hiển thị trên hệ thống màn hình ghép để giám sát.

Mới đây, tại Công văn số 7839/ UBND-KGVX của UBND tỉnh thông báo chính thức thí điểm hoạt động các dịch vụ đô thị thông minh tại Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh.

Trung tâm IOC sẽ vận hành 5 dịch vụ trong năm 2021 làm tiền đề xây dựng thành phố thông minh

Khi IOC chính thức đi vào hoạt động các dịch vụ công tích hợp giữa các cơ quan nhà nước và được cá nhân hóa giúp người dân thuận tiện trong việc tiếp cận các thông tin. Người dân và doanh nghiệp được cung cấp đầy đủ các thông tin và công cụ tiện ích để thực hiện các thủ tục đăng ký, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và có thể theo dõi tiến trình xử lý hồ sơ, yêu cầu, kiến nghị theo thời gian thực. Các dịch vụ chất lượng cao về du lịch, giao thông, y tế, giáo dục, môi trường… được cung cấp cho người có nhu cầu.

Đồng thời, người dân được tạo điều kiện giám sát và tham gia vào quá trình xây dựng đô thị, phát huy vai trò làm chủ của mình cũng như đóng góp trong việc phát triển kinh tế, đặc biệt là với lĩnh vực du lịch. Mặt khác, thay bằng việc người dân, doanh nghiệp phải giao tiếp với chính quyền theo từng lĩnh vực ngành dọc thì theo cách quản trị thông minh, người dân doanh nghiệp sẽ tiếp cận thông tin và tương tác dễ dàng hơn với chính quyền thông qua nền tảng chung về quản lý dịch vụ, quản lý vận hành và quản lý dữ liệu. Qua đó vừa giúp nâng cao chất lượng các dịch vụ công hiện hữu, vừa góp phần tạo ra các dịch vụ và giá trị mới.

BTV: Theo lộ trình đề ra trong năm 2021, Trung tâm IOC sẽ đưa vào vận hành thí điểm dịch vụ đô thị thông minh nào và mục tiêu trong giai đoạn tới là gì, thưa ông?

Thực hiện Kế hoạch số 4031/KH-UBND ngày 12/5/2021 của UBND tỉnh ban hành về triển khai các dịch vụ đô thị thông minh tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh năm 2021. Đến nay, Sở TT&TT đã chỉ đạo Trung tâm IOC, VNPT Đắk Lắk hoàn thành lắp đặt hệ thống camera giám sát, wifi, hệ thống điện, hệ thống mạng, hệ thống âm thanh, hệ thống phòng cháy, chữa cháy phòng máy chủ, hệ thống 27 màn hình tại phòng giám sát và hệ thống 09 màn hình tại phòng điều hành trung tâm IOC.

Kỹ sư CNTT đánh giá dịch vụ của Trung tâm IOC để đưa vào vận hành  chính thức

Từ ngày 01/7/2021 đã chạy thử nghiệm các dịch vụ Giám sát dịch vụ công trực tuyến, giám sát điều hành Kinh tế - Xã hội, Phản ánh hiện trường, Giám sát camera an ninh trật tự và điều hành giao thông trên hệ thống 27 màn hình giám sát, cơ bản đã vận hành ổn định và sẵn sàng hoạt động chính thức.

Từ tháng 8/2021, để đưa vào vận hành thí điểm, nhân viên phòng giám sát, điều hành đang thực hiện kết nối đến hệ thống điều khiển 27 màn hình tại phòng giám sát. Kiểm tra các ứng dụng cho thiết bị di động để triển khai các dịch vụ  đã xây dựng Ứng dụng “Đắk Lắk trực tuyến”, “Tương tác người dân Đắk Lắk” trên cả 2 nền tảng IOS và Android. Đây là ứng dụng theo quy định trong xây dựng Đô thị thông minh, được triển khai trên các thiết bị di động thông minh nhằm cung cấp cho người dân các tiện ích, tương tác cần thiết

Bên cạnh đó, IOC đã xây dựng Ứng dụng “Đắk Lắk G”. Đây là ứng dụng theo quy định trong xây dựng Đô thị thông minh, được triển khai trên các thiết bị di động thông minh nhằm cung cấp cho cán bộ công chức tiếp nhận, xử lý các thông tin khi cần hoặc do Dak Lak IOC chuyển đến theo quy trình. Đồng thời cung cấp cho Lãnh đạo các cấp công cụ theo dõi, giám sát và điều hành các chỉ tiêu từ các Dịch vụ đô thị thông minh ( Giám sát Dich vụ công, Giám sát phản ánh hiện trường, Giám sát kinh tế xã hội, …).

Phòng điều hành của Trung tâm IOC

Về lộ trình, năm 2021 sau khi 5 dịch vụ đô thị thông minh vận hành ổn định, đến năm 2022, IOC sẽ tiếp tục vận hành 5 dịch vụ đô thị thông minh còn lại thuộc các lĩnh vực: Y tế, Giáo dục, Du lịch và Môi trường và thông tin trên mạng xã hội. Hiện tại, Sở Thông tin và Truyền thông xin ý kiến hướng dẫn của Cục Tin học hóa – Bộ Thông tin và Truyền thông về các tiêu chí, nội dung triển khai, giám sát các lĩnh vực này và tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, triển khai sớm đúng tiến độ.

BTV: Hiện nay, dịch vụ phản ánh hiện trường được triển khai rộng trên nhiều địa bàn toàn tỉnh và được người dân quan tâm. Để tương tác với chính quyền qua kênh dịch vụ này người dân cần lưu ý điều gì?

Dịch vụ phản ánh hiện trường là kênh giao tiếp quan trọng giữa người dân và chính quyền, giúp cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng xử lý những góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, đánh giá kết quả xử lý. Đồng thời công khai, minh bạch các kết quả xử lý, tạo lòng tin trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, hướng đến xây dựng đô thị thông minh. Dịch vụ tiếp nhận phản ánh của công dân và doanh nghiệp trên các lĩnh vực: Số điện thoại vi phạm, lấn chiếm lòng lề đường, vi phạm quảng cáo, tụ tập buôn bán, xây dựng không phép, nước thải, xả rác, vấn đề khác.

Dịch vụ phản ánh hiện trường nhận rất nhiều kiến nghị, phản ánh của người dân

Dịch vụ được triển khai tại thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, huyện Cư M’Gar, huyện EaKar, huyện  Krông Năng thông qua Cổng tương tác công dân: http://tuongtaccongdan.daklak.gov.vn . Từ ngày 17/5/2021 đến 19/07/2021, Đắk Lắk IOC đã tiếp nhận 58 phản ánh của người dân gửi tới hệ thống, trong đó thành phố Buôn Ma Thuột tiếp nhận là 53 phản ánh và đã xử lý 18 phản ánh. Thông qua các phản ánh của người dân, hệ thống sẽ dần hình thành mạng lưới “cảm biến” nhằm thấu hiểu và phục vụ người dân được tốt hơn.

Về lưu ý khi người dân sử dụng tương tác trên dịch vụ phản ánh hiện trường, các tổ chức, công dân cần gửi thông tin chính xác, hình ảnh rõ nét để IOC chuyển cơ quan chức năng xử lý kịp thời, không mất thời gian xác minh lại thông tin. Ngoài ra, người dân khi tương tác trên dịch vụ hiện trường số điện thoại vi phạm, lấn chiếm lòng lề đường, vi phạm quảng cáo, tụ tập buôn bán, xây dựng không phép, nước thải, xả rác, vấn đề khác sẽ được bảo mật thông tin người cung cấp.

Sau khi có kết quả xử lý cũng sẽ gửi phản hồi cho công dân cung cấp thông tin, đồng thời đăng tải công khai kết quả xử lý  của các cơ quan chức năng để mọi người dân được biết.

Người dân có thể truy cập địa chỉ ứng dụng và các tài liệu hướng dẫn sử dụng:

Cổng tương tác công dân: http://tuongtaccongdan.daklak.gov.vn

- Ứng dụng IOS và Android dành cho người dân: Đắk Lắk trực tuyến.

- Ứng dụng IOS và Android dành cho cán bộ, công chức: Đắk Lắk G.

- Tài liệu  hướng dẫn sử dụng: http://tuongtaccongdan.daklak.gov.vn/tai-lieu-huong-dan-su-dung.html

Xin cám ơn ông!

Kim Bảo thực hiện