Chia sẻ kinh nghiệm về số hoá, kết nối dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính
Cập nhật lúc: 16:37 10/11/2022
Ngày 18/8, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội thảo trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm "Số hoá, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính: Kinh nghiệm của Pháp và thực tiễn triển khai tại Việt Nam".
Hội thảo do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Xuân Thành chủ trì; tham dự còn có bà Cécile Vigneau, Tham tán thứ nhất, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan; đại diện các bộ, ngành; các chuyên gia của Pháp và được tổ chức trực tuyến đến đầu cầu các địa phương.
Tại điểm cầu Đắk Lắk có ông Đoàn Ngọc Thượng – Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo Sở, ngành.
Các đại biểu tham dự điểm cầu Đắk Lắk
Hội thảo thuộc Chương trình hợp tác hỗ trợ kỹ thuật "Hiện đại hóa hành chính gắn kết với chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2023" giữa Văn phòng Chính phủ và Đại sứ quán Pháp trong khuôn khổ hợp tác giữa Văn phòng Chính phủ và Bộ Kinh tế - Tài chính Pháp từ về phát triển Chính phủ điện tử và hiện đại hóa quản trị hành chính nhà nước. Đây là Chương trình hợp tác tập trung vào các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật thúc đẩy cải cách quy định, cắt giảm gánh nặng hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.
Các đại biểu chủ trì điểm cầu Hà Nội
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh, hiện nay, VPCP đang cùng các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ; Đề án đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng số hóa, không phụ thuộc vào địa giới hành chính; Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước; tiếp tục xây dựng, phát triển Cổng Dịch vụ công quốc gia, các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dựa trên dữ liệu theo thời gian thực.
Hội nghị được kết nối đến điểm cầu trong cả nước
Tại Phiên họp lần thứ ba của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số ngày 8/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, đồng thời yêu cầu VPCP và các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác số hóa, cung cấp dịch vụ công, tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp.
"Điều này cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trong triển khai chuyển đổi số quốc gia hướng tới tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp", Phó Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh.
Để triển khai công tác số hóa trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp, VPCP đang phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an và các bộ, cơ quan, địa phương triển khai một số các công việc như: Hướng dẫn kỹ thuật, nghiệp vụ số hóa trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; hướng dẫn việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; hướng dẫn việc kết nối, tích hợp, chia sẻ tài liệu số hóa phục vụ tái sử dụng; hoàn thiện, nâng cấp Cổng Dịch vụ công quốc gia đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu trong số hóa và theo dõi, giám sát, đánh giá chất lượng thực hiện thủ tục hành chính dựa trên dữ liệu theo thời gian thực; tập huấn nghiệp vụ cho 63 địa phương và phối hợp với Bộ Công an khảo sát, kiểm tra, hỗ trợ trực tiếp tại 9 địa phương.
Theo Phó Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Thành, qua thực tế triển khai, hiện mới chỉ có khoảng 6,17% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng cho lần sau; 17,8% hồ sơ được số hóa, chủ yếu mới chỉ dừng ở mức chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử ở giai đoạn tiếp nhận hồ sơ, mà chưa thực hiện đầy đủ quy trình số hóa, chưa bảo đảm giá trị pháp lý của giấy tờ số hóa.
Vì vậy, theo Phó Chủ nhiệm VPCP, chủ đề Hội thảo rất thiết thực với mục tiêu của Đề án đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, phù hợp với định hướng triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, bà Cécile Vigneau, Tham tán thứ nhất, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết Pháp rất mong muốn hỗ trợ các cơ quan của Việt Nam trong việc hoàn thiện dự án "Hiện đại hóa hành chính gắn kết với chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2023". Theo đó, sự hợp tác giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực số hoá, hiện đại hoá thủ tục hành chính đã có nhiều hoạt động phối hợp triển khai rất chặt chẽ.
Bà Cécile Vigneau nhận định, số hoá, cải cách TTHC là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam với những mục tiêu cụ thể để phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Để thực hiện những mục tiêu này, Việt Nam đã có nhiều chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế, trong đó Chính phủ Pháp rất hân hạnh được cùng Việt Nam hợp tác trong các dự án để Việt Nam thực hiện được mục tiêu đặt ra.
Hội thảo hôm nay là một trong 3 cấu phần của dự án "Hiện đại hóa hành chính gắn kết với chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2023", ở mỗi phần đều xác định các mục tiêu và các hoạt động triển khai. Bà Cécile Vigneau cũng đề nghị để triển khai dự án các bộ, ngành, cơ quan của Việt Nam cần tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu, cải thiện hơn nữa chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Dịch vụ công trực tuyến là một trong những chỉ tiêu đánh giá của dự án.
Tại hội thảo, các chuyên gia của Pháp đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc số hóa, chuẩn hóa hồ sơ, giấy tờ giải quyết thủ tục hành chính cũng như việc kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính và ý kiến đối với thực tiễn của Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm của Pháp về chuẩn hoá biểu mẫu. Cục Kiểm soát TTHC cũng chia sẻ về số hoá, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC và việc triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu của Việt Nam.
Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Thành mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam để Chương trình hợp tác của chúng ta sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần thúc đẩy quan hệ gắn bó, hợp tác giữa Văn phòng Chính phủ và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, đồng thời, làm sâu sắc thêm mối quan hệ Việt Nam - Pháp, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 4/2023 cũng như kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Lấy người dùng làm trung tâm Theo các chuyên gia của Pháp, 20 năm qua, Nhà nước Pháp đã xác định tất cả các thủ tục trên cơ sở lấy người dùng làm trung tâm và đã hình thành hệ thống làm việc của mình để xác định danh sách 25 sự kiện cuộc đời cần ưu tiên cải thiện, Lựa chọn ưu tiên dựa trên sự phức tạp của thủ tục theo cảm nhận của người dùng. Tất cả các sự kiện chính trong cuộc đời đều phải được đưa vào chỉ tiêu theo dõi định tính và định lượng do Nhà nước công bố. Phương pháp số hóa phải đáp ứng các mục tiêu đảm bảo hiệu quả và hiệu suất đối với cơ quan hành chính (quy trình xử lý thông tin đáng tin cậy hơn, nhanh hơn, ít tốn kém hơn,v.v.) đơn giản hóa và giảm sự vất vả cho người dùng (giảm yêu cầu đối với người dùng và giảm sự phức tạp của thủ tục hành chính). Trên cơ sở đó, có thể lựa chọn một số nguyên tắc lựa chọn ưu tiên: không thể số hóa toàn bộ, cần lựa chọn “Các sự kiện cuộc đời”, các ưu tiên được hiện thị trong các thủ tục hành chính Quan tâm đến các yêu cầu từ người dùng; Lấy người dùng làm trung tâm (mọi dịch vụ và tính năng phải phục vụ cho Web-Self-Service, Web tự phục vụ). |
Theo: daklak.gov.vn
Các tin khác
- Đắk Lắk tổ chức Hội nghị hưởng ứng ngày chuyển đổi số năm 2024
- Báo cáo sơ kết 02 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 02/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về "Chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030"
- Đắk Lắk đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hệ thống du lịch thông minh
- Đắk Lắk thúc đẩy phổ cập chữ ký số cho người dân
- Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam tập huấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp nữ Đắk Lắk